Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Các vụ thảm sát dưới chế độ Cộng sản

Thời Mao Trạch Đông

Năm 1949 Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo chính thức nắm quyền tại Trung Hoa đại lục sau cuộc nội chiến đẫm máu giữa Trung Hoa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản. Kể từ đó, Mao nắm quyền tại Trung Quốc từ 1949 đến 1976, các chính sách và chủ trương của Mao đã khiến cho hàng chục triệu người thiệt mạng; nhiều nhà sử học cho rằng dưới thời Mao đã có một cuộc diệt chủng và tàn sát quy mô lớn diễn ra ở Trung Quốc.[57][58]

Cải cách ruộng đất và đàn áp những người phản cách mạng

Vụ tàn sát quy mô lớn đầu tiên tại Trung Quốc dưới thời Mao diễn ra trong cuộc cải cách ruộng đất và cuộc đàn áp những người phản cách mạng (thường là những người theo phe Trung Quốc Quốc dân Đảng (Đảng Quốc Dân)). Trong một tài liệu xuất bản năm 1948, Mao Trạch Đông dự định rằng "một phần mười tá điền, địa chủ [ước tính khoảng 50 triệu người] cần phải bị loại bỏ" để cải cách ruộng đất.[58] Trên thực tế, ít nhất một triệu người đã bị giết trong cuộc cải cách ruộng đất.[59]

Cuộc đàn áp những người bị cho là "phản cách mạng" chủ yếu nhắm vào thành viên của Đảng Quốc Dân, vốn là phe đối lập của Đảng Cộng sản, và những quan chức bị tình nghi là "phản bội" lại Đảng Cộng sản.[60] Ước tính đã có khoảng 712.000 đến 10 triệu người bị xử tử trong cuộc đàn áp đẫm máu.[61] Hơn một triệu người bị đưa vào các trại cải tạo lao động và khoảng 1.200.000 người bị "theo dõi".[62]

Đại nhảy vọt (1958–1961)

Bài chi tiết: Đại nhảy vọt
Một lượng lớn lao động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất thép công nghiệp trong cuộc Đại nhảy vọt đã làm cho mùa màng thất bát, gây nên nạn đói lớn ở Trung Quốc khiến khoảng 20–46 triệu người chết (5% dân số).

"Đại nhảy vọt" là tên gọi của một kế hoạch cải tổ kinh tếxã hội khởi xướng bởi Mao Trạch Đông cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1958 đến năm 1961. Mục đích ban đầu của chiến dịch là biến Trung Quốc lúc bấy giờ từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại theo Xã hội chủ nghĩa và cải tổ nông nghiệp. Tham vọng của Mao lúc bấy giờ là có thể vượt qua nền kinh tế của Liên hiệp AnhHoa Kỳ trong vòng 15 năm.[63]

Rất nhiều kế hoạch đã được đề xuất, bao gồm các thử nghiệm của loại hình kinh tế theo kiểu hợp tác xã, tiến hành công nghiệp hóa và cải tổ tưới tiêu.[64] Tuy vậy, các kế hoạch ban đầu không những không thành công mà còn gây nên một thảm họa kinh tế cho Trung Quốc. Mặc dù những sáng kiến nông nghiệp không mấy sáng sủa nhưng thời tiết năm 1958 rất thuận lợi và mùa thu hoạch rất hứa hẹn được mùa. Chẳng may, nhiều lao động đã được chuyển qua sản xuất thép và các dự án xây dựng công nghiệp, đồng nghĩa với việc mùa vụ bị bỏ bê không thu hoạch tại vài nơi, và sản lượng lương thực sụt giảm.[65] Trong giai đoạn 1958-1960, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu lúa gạo đáng kể mặc dù việc nạn đói lan rộng chỉ được biết đến ở nông thôn vì Mao muốn giữ thể diện và thuyết phục thế giới bên ngoài về sự thành công của những kế hoạch của ông.

Đại nhảy vọt được đa số mọi người, kể cả trong và ngoài Trung Quốc, coi là một thảm họa kinh tế mà ảnh hưởng của nó vẫn tác động lên Trung Quốc trong nhiều năm sau đó; nhiều người ví von nó với cái tên "Đại nhảy lùi". Những chính sách không đúng đắn, cùng với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (lũ lụt, hạn hán) là nguyên nhân dẫn đến Nạn đói lớn ở Trung Quốc giai đoạn 1958-61.[66] Theo nhiều nguồn thống kê khác nhau, số người chết do thiếu đói dao động từ 20 triệu đến 46 triệu (khoảng 5% dân số, tổng dân số Trung Quốc bấy giờ là 600 triệu), trở thành nạn đói có quy mô lớn nhất lịch sử nhân loại.[67] Một số nguồn cho rằng khoảng 2,5 triệu người bị bắt giam, tra tấn hoặc xử bắn do phản đối những chính sách của Mao.[68] Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc trong suốt 6 thế kỷ, dân số giảm đi một cách rõ rệt.[69]

Trong những Đại hội Đảng năm 19601962 sau đó, Mao Trạch Đông đã bị chỉ trích trước Đại hội do những hậu quả mà Đại nhảy vọt để lại. Điều này đã khiến cho những đảng viên dung hòa như Lưu Thiếu KỳĐặng Tiểu Bình được lợi và giành được nhiều sự ủng hộ, và Mao bị mất đi tiếng nói. Chính điều trên đã khiến cho Mao khởi xướng cuộc cách mạng văn hóa năm 1966, một cuộc thanh lọc chính trị quy mô lớn cùng với giai đoạn hỗn loạn và vô chính phủ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, kéo theo hàng triệu người trở thành nạn nhân của cuộc bài trừ những đổi thủ chính trị, bao gồm cả Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.[70]

Cách mạng văn hóa (1966–1976)

Bài chi tiết: Cách mạng văn hóa

Sau khi kế hoạch Đại nhảy vọt thất bại, Mao Trạch Đông dần mất đi tiếng nói trong Đảng Cộng sản. Để củng cố lại quyền lực, Mao khởi xướng cuộc cách mạng văn hóa năm 1966 với mục đích loại bỏ những "tư sản tự do" để tiếp tục cuộc cách mạng vô sản, đồng thời cũng loại bỏ những người bất đồng ý kiến với Mao, bao gồm các quan chức khác như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.[70] Chính những vụ thanh trừng chính trị đã củng cố lòng trung thành của quân đội với Mao.[71]

Cô Lâm Chiêu (林昭, Lin Zhao) là một nạn nhân nổi bật trong cách mạng văn hóa. Cô bị xử tử hình với tội danh "...phê phán Đảng Cộng sản vĩ đại của chúng ta và Chủ tịch Mao Trạch Đông vĩ đại..."[72]

Hàng triệu người Trung Quốc đã bị hành hình trong giai đoạn hỗn loạn và vô chính phủ của cuộc cách mạng văn hóa. Những người bị cho là gián điệp, "phản bội", "tư sản" hay những tầng lớp địa chủ và tá điền là nạn nhân của những vụ tử hình trước công chúng, đánh đập đến chết, tra tấn, kết án tù, hãm hiếp, lợi dụng và phải chịu điều kiện y tế thấp kém. Ước tính hàng trăm ngàn người đã bị tàn sát, bỏ đói và bị bắt lao động khổ sai. Hàng triệu người khác bị lưu đày. Giới trẻ từ thành phố bị buộc phải rời đến vùng nông thôn và bị cải tạo, "giáo dục" theo đường lối ca ngợi Đảng Cộng sản.[73]

Trong cuộc cách mạng văn hóa, một "đội quân" bao gồm các học sinh, sinh viên mang tên Hồng vệ binh được sử dụng để khai trừ những người bị cho là "phản cách mạng".[74] Tháng 8 năm 1966, hơn 100 giáo viên đã bị chính học sinh của mình giết hại tại phía Tây của Bắc Kinh.[75]Một trong những nạn nhân nổi bật trong cuộc cách mạng văn hóa là cô Lâm Chiêu (林昭, Lin Zhao). Sau khi trải qua Nạn đói lớn do những chính sách sai lầm của Mao, cô xuất bản một tờ báo không công khai chỉ trích những chính sách của Đảng Cộng sản. Sau đó, cô bị bắt giam 20 năm tù, bị đánh đập và tra tấn dã man.[76] Năm 1966, thời gian khởi điểm của cuộc cách mạng văn hóa, cô bị kết án tử hình vì bốn tội danh: "1. Tấn công, chửi rủa và phê phán Đảng Cộng sản vĩ đại của chúng ta và Chủ tịch Mao Trạch Đông vĩ đại... 2. Có thái độ phê phán chế độ chuyên chế và xã hội chủ nghĩa... 3. Công khai hô hào những khẩu hiệu phản kháng, chống lại án tù, khích động tù nhân nổi loạn, và có những hành động đe dọa để trả thù cho việc bị kết tội xử hình phản cách mạng... 4. Liên tục giữ thái độ từ chối tội danh, từ chối cải tạo giáo dục và từ chối cải cách..."[72] Năm 1968, cô bị xử tử bằng súng; gia đình cô Chiêu không hề biết đến chuyện này cho tới khi một sĩ quan Đảng Cộng sản tới nhà mẹ của cô để thu năm xu tiền mua viên đạn dùng để bắn cô Chiêu.[77]

Ngoài những vụ thanh trừng đối thủ chính trị, cuộc cách mạng văn hóa còn nhằm vào các dân tộc thiểu số trên Trung Hoa đại lục. Tại tỉnh Nội Mông Cổ, hơn 790.000 người Mông Cổ bị bắt, trong đó 22.900 người bị đánh đập tới chết.[78] Năm 1975, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra một cuộc thảm sát 1.600 người Hồi theo đạo Hồi. Tại các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, các trường học của người Triều Tiên bị phá hủy.[79] Những người dân Tây Tạng cũng lâm vào cảnh tương tự, họ bị bắt giữ, đàn áp và tra tấn; đến cuối năm 1979, gần 600.000 nhà sư và ni cô Phật giáo Tây Tạng bị giết chết hoặc tra tấn đến nỗi cơ thể bị dị dạng.[80]

Giai đoạn hậu Mao Trạch Đông

Sự kiện Thiên An Môn (1989)

Sự kiện Thiên An Môn (hay còn được gọi là Sự kiện ngày 4 tháng 6 六四事件, Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn hoặc Phong trào Dân chủ năm 1989 八九民运) là một chuỗi các cuộc biểu tình của sinh viên, trí thức và quần chúng (đứng đầu là các sinh viên) tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, kéo dài từ ngày 15 tháng 4 đến 4 tháng 6 năm 1989.[81] Quần chúng biểu tình đòi hỏi "một đảng Cộng sản không tham nhũng", yêu cầu tự do ngôn luận, tự do báo chí và một xã hội dân chủ.[82] Tại đỉnh điểm của cuộc biểu tình, có tới một triệu người tụ tập tại Thiên An Môn để phản đối vấn nạn tham nhũng của chính quyền.[83] Không chỉ tại Bắc Kinh mà cuộc biểu tình còn có sức lan tỏa rộng khắp Trung Quốc đại lục, các thành phố lớn khác (Thượng Hải, Hồng Kông...) và cả bên ngoài Trung Quốc.[84][85]

Bà Đinh Tử Linh (sinh 1936) (丁子霖 Ding Zilin) có con là sinh viên bị giết tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, bà đã liên tục yêu cầu chính quyền thực hiện một chế độ dân chủ hơn. Từ đó, bà liên tục bị Chính quyền Trung Quốc bắt giam và cảnh cáo.[86]

Chính phủ Trung Quốc quyết định giải tán biểu tình bằng vũ lực: hơn 250.000 tiểu đội đã được điều động đến Bắc Kinh bằng đường bộ và đường không.[87] Ban đầu, hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Bắc Kinh, chặn đứng quân đội và còn thúc giục họ cùng tham gia biểu tình.[88] Chính phủ nhận ra rằng phương pháp này không hiệu quả, do đó đã điều động các toán quân rút ra ngoại thành Bắc Kinh, trong khi các phong trào biểu tình ngày càng mạnh mẽ hơn, đỉnh điểm là các ngày từ 1 đến 3 tháng 6 năm 1989.[89] Cuối cùng, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tấn công Thiên An Môn: tối ngày 3 tháng 6, nhiều xe bọc thép cùng quân đội vũ trang được trang bị súng trường tiến vào quảng trường cùng với các xe ủi. Hàng ngàn người đã cố gắng bao vây, phản kháng lại quân đội, song bị bắn chết ngay trên quảng trường.[90] Các nhân chứng, gồm phóng viên Kate Adie của Đài Truyền hình Vương quốc Anh đã xác nhận những hành động "bắn bừa bãi" của quân đội trong Quảng trường Thiên An Môn, các xe ủi cán nát cả xe cộ lẫn những người tháo chạy, nhiều người van xin song cũng bị bắn hoặc đánh đập bằng dùi cui.[91]

Tới 4 giờ sáng ngày 4 tháng 6, sau cuộc thỏa hiệp giữa sinh viên và chính phủ, quân đội quyết định dọn dẹp lại quảng trường.[92] Tuy vậy, phần lớn sinh viên vẫn kiên quyết tiếp tục biểu tình tại Quảng trường.[90] Quân đội lúc này bắt đầu dọn dẹp lại Thiên An Môn, ngoài ra còn đánh đập các sinh viên và thu hồi, phá hủy những đoạn phim quay được và đe dọa "nếu không cút đi hậu quả sẽ rất tệ".[93] Đến tầm 5-6 giờ sáng, các sinh viên bắt đầu rút khỏi Quảng trường, nắm tay nhau và hát vang bài Quốc tế ca trên Đại lộ Trường An. Tuy vậy, quân đội vẫn tiếp tục bắn hạ vài sinh viên cùng với những người khác là phụ huynh của họ trên Đại lộ.[94] Quảng trường Thiên An Môn sau đó đã bị quân đội phong tỏa hai tuần.[95]

Vụ việc bị phanh phui tới cộng đồng quốc tế ngày 5 tháng 6 năm 1989, một ngày sau khi vụ tấn công đẫm máu xảy ra trên quảng trường.[96] Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng đã giết 300 người và làm bị thương 2.000 dân thường.[97] Tuy vậy, các nguồn từ quốc tế ước tính số người chết cao hơn các báo cáo chính thức của Trung Quốc: tờ The New York Times ước tính có hơn 400-800 người chết, còn thời báo Time ước tính hơn 2.600 người bị thiệt mạng.[98][99] Sau sự kiện Thiên An Môn, các vụ giam giữ, tra tấn và quấy rối những người có liên quan đến các sinh viên bị giết vẫn diễn ra, bao gồm có các bậc phụ huynh của họ.[100]

Đàn áp Pháp Luân Công (1999-nay)

Pháp Luân Công là một môn khí công được Lý Hồng Chí sáng lập tại Trung Quốc đại lục năm 1992, môn khí công này được người dân Trung Quốc ưa chuộng và ban đầu được chính quyền ủng hộ.[101] Tuy vậy, tới năm 1996, mối quan hệ giữa Pháp Luân Công và chính quyền trở nên căng thẳng khi Lý Hồng Chí phản đối những chính sách chuộc lợi từ Pháp Luân Công của Hội nghiên cứu khoa học khí công Trung Quốc, cũng như phản đối yêu cầu lập Đảng bộ Đảng Cộng sản tại Pháp Luân Công.[102] Sau đó, chính quyền bắt đầu hạn chế việc thực hành Pháp Luân Công, cấm xuất bản những cuốn sách dạy môn khí công này từ tháng 7 năm 1996.[103] Cuối cùng, vào tháng 4 năm 1999, chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc bấy giờ là Giang Trạch Dân chính thức khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công.[104] Những học viên Pháp Luân Công bị tra tấn dã man, nhiều người bị bắt giữ vô cớ, bị bỏ tù và bị đưa vào "Phòng 610" ("Phòng 610" là nơi mà chính quyền Trung Quốc lập nên để tra tấn và giết những học viên Pháp Luân Công).[105] Những phương thức tra tấn bao gồm: giật điện, trói tay chân, bị cùm xích, không cho ngủ, ép ăn hoặc bỏ đói, lạm dụng tình dục, hãm hiếp, khủng bố tinh thần, nhúng xuống hầm nước, và nhiều phương thức khác. Nhiều học viên là trẻ em cũng không phải là ngoại lệ, chúng cũng bị tra tấn như người lớn.[106] Nhiều học viên là phụ nữ đang mang thai bị ép phá thai hết sức tàn bạo.[107]

Ngoài tra tấn, nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công bị mổ nội tạng khi còn sống để cung cấp cho ngành cấy ghép sinh học của Trung Quốc.[108] Theo ước tính, hơn 41.500 ca cấy ghép nội tạng của Trung Quốc từ năm 2000-2005 không có được giải thích kỹ lưỡng và cho rằng rất có thể những bộ phận đó được lấy từ những học viên Pháp Luân Công.[109] Không chỉ đàn áp những học viên trong nước, chính quyền Trung Quốc còn liên tiếp cảnh cáo những học viên Pháp Luân Công hải ngoại và cử gián điệp theo dõi những người Trung Quốc tại Úc, Mỹ...[110] Ít nhất 2.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết chết từ năm 2000-2009 và hàng ngàn người đang bị giam giữ.[111]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các vụ thảm sát dưới chế độ Cộng sản http://blog.boxun.com/hero/201004/wurenhua/10_1.sh... http://blog.boxun.com/hero/201106/wurenhua/4_1.sht... http://blog.boxun.com/hero/64/27_4.shtml http://www.csmonitor.com/World/Asia-Pacific/2009/0... http://www.david-kilgour.com/2008/pdf/flg/Falun%20... http://books.google.com/?id=8yorTJl1QEoC&pg=PA141 http://books.google.com/?id=ChRk43tVxTwC&pg=PA165&... http://books.google.com/?id=ChRk43tVxTwC&pg=PA234&... http://articles.latimes.com/1989-06-18/news/mn-371... http://www.nytimes.com/1989/06/21/world/a-reassess...